Hotline: 0911.529.669 | Email: psplegalhn@gmail.com

Một số lỗi thường gặp trong hợp đồng kinh tế và những gợi ý khắc phục

21/05/2023

Có thể nói trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình, hầu như không có chủ thể kinh doanh nào là không ký kết hợp đồng kinh tế (hay còn gọi hợp đồng thương mại). Hợp đồng kinh tế là cầu nối giữa các thương nhân - chủ thể kinh doanh với nhau trong hoạt động kinh doanh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế xã hội nói chung

   Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, cùng với sự xuất hiện đan xen của các mối quan hệ và sự thay đổi pháp luật thì kỹ năng soạn thảo hợp đồng kinh tế của không ít chủ thể kinh doanh còn nhiều hạn chế. Qua theo dõi thực tế, tác giả nhận thấy có một số thực trạng còn tồn tại ở hợp đồng kinh tế như: nội dung nghèo nàn, thiếu các điều khoản cơ bản, tư cách của chủ thể ký kết hợp đồng chưa bảo đảm, một số thỏa thuận trái pháp luật... Điều này đã làm nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại số tiền lên đến hàng tỷ đồng và phải chịu những hậu quả nghiêm trọng không thể lường trước được.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng của hợp đồng kinh tế, khắc phục những sơ hở, thiếu sót và hạn chế xảy ra tranh chấp, tác giả xin phân tích những tồn tại và đưa ra một số giải pháp như sau:

Xác định không đúng văn bản pháp luật áp dụng làm căn cứ để ký kết hợp đồng kinh tế

Một số hợp đồng kinh tế hiện nay vẫn áp dụng Bộ luật Dân sự 2005 làm căn cứ ký kết hợp đồng là không đúng, vì Bộ luật này đã bị thay thế bởi Bộ luật Dân sự 2015.

Hậu quả: Dễ dẫn đến việc áp dụng sai căn cứ pháp luật cụ thể đối với từng điều khoản của loại hợp đồng cụ thể.

Giải pháp: Các căn cứ ký kết Hợp đồng kinh tế hiện nay là Bộ luật Dân sự 2015 (luật cơ bản về hợp đồng nói chung), Luật Thương mại 2005 và các Văn bản hướng dẫn thi hành các Luật này. Ngoài ra tùy từng lĩnh vực có thể áp dụng thêm văn bản Luật chuyên ngành, ví dụ trong lĩnh vực xây dựng áp dụng Luật Xây dựng 2014, Trong lĩnh vực hợp tác kinh doanh cần áp dụng thêm Luật Đầu tư 2020... hoặc những văn bản quy phạm pháp luật của địa phương ban hành.

Xác định tên của loại hợp đồng kinh tế cụ thể

Nhiều trường hợp, hợp đồng kinh tế chỉ thể hiện tên gọi chung chung là "hợp đồng kinh tế". Cách thể hiện như vậy là chưa cụ thể, khó cho việc phân loại hợp đồng, xác định những điều khoản cơ bản và những chế định pháp luật điều chỉnh loại hợp đồng này.

Giải pháp: Tùy vào đặc điểm của mỗi giao dịch để xác định là loại hợp đồng, ví dụ trong quan hệ mua bán hàng hóa thì cần ghi là "hợp đồng mua bán hàng hóa", trong quan hệ hợp tác đầu tư thì cần xác định cụ thể là "hợp đồng hợp tác đầu tư"...

Xác định không đúng người đại diện của đơn vị kinh tế có thẩm quyền ký kết hợp đồng.

Nhiều chủ thể kinh doanh vẫn cứ nghĩ rằng Giám đốc Công ty là người đại diện đương nhiên theo pháp luật và việc họ ký hợp đồng là bảo đảm đầy đủ tư cách của chủ thể. Hiểu như vậy là quá đơn giản và hậu quả là rất có khả năng hợp đồng bị tuyên vô hiệu hoặc bị lợi dụng để lừa đảo...

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, ngoài Giám đốc thì một số chức vụ khác cũng có thể là đại diện theo pháp luật tùy vào đơn vị kinh doanh và loại hình doanh nghiệp: Giám đốc/Chủ tịch Hội đồng quản trị trong Công ty Cổ phần (khoản 2 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020); Chủ tịch Hội đồng thành viên trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên (Điều 54 Luật Doanh nghiệp 2020); Chủ Doanh nghiệp trong Doanh nghiệp tư nhân (Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020).

 Đối với trường hợp người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền ký hợp đồng, thì trong hợp đồng phải thể hiện nội dung giấy ủy quyền đó (ví dụ: ông Nguyễn Văn A là người đại diện ủy quyền theo Giấy ủy quyền số ... ngày... tháng... năm ... của ông ... chức vụ ... là người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp...).

Sử dụng biện pháp chế tài "hủy bỏ hợp đồng" không chính xác

Trên thực tế trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhiều chủ thể xác định "một bên vi phạm hợp đồng nghiêm trọng là căn cứ (theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật) để chấm dứt hợp đồng" là trường hợp áp dụng biện pháp chế tài "Hủy bỏ hợp đồng". Việc xác định biện pháp chế tài này là không đúng, vì "Hủy bỏ hợp đồng" theo Điều 312 Luật Thương mại 2005 chỉ áp dụng khi các bên chưa thực hiện hợp đồng và theo đó "hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết" (Điều 314 Luật Thương mại).

Đối với trường hợp nêu trên, phải áp dụng biện pháp chế tài "đình chỉ thực hiện hợp đồng" theo Điều 310 Luật Thương mại 2005 và hậu quả pháp lý được áp dụng theo Điều 311 của Luật này.

Một số nội dung của hợp đồng không quy định chặt chẽ

Quy định thời gian thực hiện hợp đồng, thời gian thực hiện nghĩa vụ thanh toán không cụ thể; Không nêu rõ thời điểm bắt đầu, thời điểm chuyển giao rủi ro, chuyển giao quyền sở hữu, quyền quản lý về tài sản; Không thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng, trách nhiệm chi trả chi phí bốc dỡ hàng hóa và lưu kho bãi... Từ đó, các bên dễ nảy sinh tranh chấp, kiện tụng, khiến cho việc kinh doanh không được ổn định.

Khi soạn thảo hợp đồng cần lưu ý từ ngữ phải rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ và dự tính đầy đủ những tình huống có thể phát sinh. Đặc biệt, đối với những hợp đồng có khối lượng tài sản lớn, giá trị lớn, đối tượng của hợp đồng đa dạng, hợp đồng ký kết với các đối tác mới, đối tác là người nước ngoài...

Tham khảo một số mẫu hợp đồng tại website https://vanphongluatpsplegal.com 

Thỏa thuận mức phạt vượt quá quy định đối với loại hợp đồng và một số thỏa thuận phương tiện thanh toán trái pháp luật

Trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, các bên có quyền thỏa thuận mức phạt nhưng cần lưu ý: đối với hợp đồng thương mại mức phạt tối đa không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (Điều 301 Luật Thương mại 2005), còn đối với hợp đồng xây dựng công trình xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, mức phạt không vượt quá 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm (Điều 146 Luật Xây dựng 2014). Nếu các bên thỏa thuận mức phạt vượt quá các mức nêu trên thì sẽ không có hiệu lực pháp lý phần vượt quá.

   Về đồng tiền thanh toán trong hợp đồng, nên sử dụng đơn vị tiền tệ Việt Nam đồng trong hầu hết hợp đồng thương mại trong nước. Không sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền thanh toán (nếu không được phép của cơ quan chức năng). Gần đây nhất theo khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì từ ngày 25/5/2012 "vàng" cũng bị cấm sử dụng làm phương tiện thanh toán. Nếu không tuân thủ quy định về phương tiện thanh toán nêu trên, thì sẽ có nguy cơ giao dịch bị tuyên bố vô hiệu.

Thỏa thuận Tòa án có thẩm quyền giải quyết không đúng luật

Hiện nay, không ít trường hợp các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận không đúng về Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của họ, đặc biệt là từ khi Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành, theo đó phần lớn các tranh chấp thông thường về hợp đồng kinh tế (như hợp đồng mua bán tài sản, vay tài sản, hợp đồng xây dựng ... ) thậm chí tranh chấp giá trị hàng tỷ đồng trở lên theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp quận, huyện nơi có trụ sở của bị đơn (trừ các tranh chấp quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự như tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, của giao công nghệ, tranh chấp thành viên công ty). Nhưng theo thói quen các bên thường lựa chọn Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có trụ sở của bị đơn hoặc nguyên đơn giải quyết là không đúng quy định nêu trên, hoặc nếu thỏa thuận về Tòa án có lợi cho nguyên đơn thì phải thỏa thuận Tòa án cấp quận, huyện nơi nguyên đơn có trụ sở (Điểm b, khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015). Riêng tranh chấp về bất động sản thì các bên tham gia hợp đồng phải thỏa thuận Tòa án nơi có bất động sản tranh chấp giải quyết (điểm c, khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015) ...

Nếu không thỏa thuận đúng pháp luật về Tòa án, thì sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để xác định đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, lúc đó các bên dễ bị động, lúng túng, việc theo hầu kiện ở nơi xa như Doanh nghiệp ở Hà Nội lại phải hầu kiện ở Tòa án nhân dân một quận nào đó ở thành phố Hồ Chí Minh, Doanh nghiệp trong nước phải hầu kiện ở Tòa án nước ngoài... tốn kém rất nhiều chi phí đi lại, lưu trú, chi phí ngoại giao...

Trên đây là một số lỗi có tính chất phổ biến của hợp đồng kinh tế và giải pháp khắc phục. Xin được nêu ra để góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo, ký kết của hợp đồng kinh tế, tránh những sai lâm, thiếu sót đáng tiếc xảy ra./.


Tác giả: Minh Vũ


Bài viết khác